Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Tại sao lại học lập trình thi đấu (LTTĐ), học LTTĐ để làm gì và có lợi ích cho tương lai ra sao?

Một bài viết rất hay dành cho các bạn đang theo chuyên Tin và muốn theo chuyên Tin.
Bài viết của bạn Phạm Văn Hạnh, đăng trên group VNOI (26/4/2020)
* Thông tim thêm về bạn Phạm Văn Hạnh
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nam-sinh-gianh-hcv-olympic-quoc-te-la-dai-bieu-thanh-nien-tien-tien-lam-theo-loi-bac-20180519104222236.htm
* Kỷ niệm bạn Phạm Văn Hạnh về trainning cho đội tuyển HSG QG trường chuyên Lương Thế Vinh (14/12/2019).

----

Xin chào các bạn,

22 ngày cách ly xã hội phòng dịch COVID-19 là thời gian thích hợp để chúng ta sống chậm lại và nghĩ về nhiều điều trong cuộc sống. Một trong những thứ nhiều bạn đã hỏi mình, tại sao lại học lập trình thi đấu (LTTĐ), học LTTĐ để làm gì và có lợi ích cho tương lai ra sao. Nhân ngày thứ 11 Việt Nam không có ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong cộng đồng, mình xin chia sẻ vài điều.Thứ nhất, học LTTĐ có gắn liền với công việc thực tế và kỹ năng nghề nghiệp không?

Nhắc đến vấn đề này, nhiều bạn hẳn sẽ nghĩ: "Ôi trời, LTTĐ toàn mấy thứ viển vông, vớ vẩn. Ai lại hỏi cái bài toán gì mà N <= 1e9 người tụ tập liên hoan với nhau blabla. Người ta đang dãn cách xã hội để chống dịch sấp mặt ra, lấy đâu 1 tỷ người cho ông mà tụ tập. Hay lại còn cái bài gì mà thang máy tòa nhà N <= 1e18 tầng có 3 nút bấm lên a tầng, b tầng, c tầng... Xây đc toàn nhà 1e18 tầng thì nó cx lên đến mặt trời rồi cha nội ạ. Mà mấy ông LTTĐ là chúa keo kiệt, ngta chạy chậm hơn có 1, 2ms mà ông cx kêu chạy quá thời gian này nọ. Cuộc đời còn dài lắm hơn nhau gì ở mấy ms nhỏ tí thế. Haizz, đúng là chả thực tế tí nào."

Có rất nhiều điểm đúng trong câu trả lời trên, nhưng nếu bạn vội kết luận LTTĐ là vô nghĩa, thì mong bạn xem xét hai ví dụ dưới đây:

1. Rất nhiều bạn cần thi chứng chỉ TOEFL, IELTS, SAT để đi du học, kiếm việc làm,... Trong bài thi nói TOEFL, bạn phải trả lời một câu hỏi trong 45s, với 15s để chuẩn bị. Ơ hay, buồn cười thật, trong cuộc sống làm gì có lúc nào tôi phải nghĩ cái gì trong 15s, r ko đc nói quá 45s chứ. Chả hiểu sao mấy trường ĐH Mỹ cứ đi lấy cái kỳ thi phi thực tế đó ra mà xét tuyển.

2. Trong kỳ thi sát hạch cấp bằng lái xe, có hai bài thi khiến rất nhiều ứng viên trượt. Bài thứ nhất là "đi qua vệt bánh xe", yêu cầu bạn đưa hai bánh xe bên phải đi qua khe giữa hai vạch song song; bài thứ hai là "dừng xe nhường đường" yêu cầu bạn phải dừng xe đúng vị trí, ko sớm, ko muộn. Huhu, ngoài đường em có phải đi xe giữa hai cái vạch đó đâu, chỉ cần ko lên vỉa ba-toa hay xuống vực là đc rồi, dừng xe thì đỗ non một tí đâu có gây tai nạn đâu. Oan cho em quá bác bộ trưởng ơi, bác cho hai bài thi đó vào làm em bị trượt và mất mấy triệu tiền học, thi lại đấy :'(

Hai ví dụ trên cho thấy, có những thứ ko dễ để nhận ra chúng liên quan đến thực tế, và dù nó ko có trong thực tế thì ko có nghĩa là bạn không phải học.

LTTĐ cũng vậy, mình đã trải qua 3 kỳ thi phỏng vấn xin thực tập của Google, Facebook, 5 bài phỏng vấn của Anduin. Tất cả chúng đều 100% là LTTĐ. Một người làm công tác tuyển dụng tại SEA cũng từng cho biết bài phỏng vấn xin thực tập có 70%-80% là LTTĐ. Tại sao LTTĐ lại đc sử dụng để phỏng vấn nhiều đến vậy? Phải thú nhận rằng, chính mình cũng bị bất ngờ bởi điều này, và mình từng cố gắng tìm câu trả lời từ những người mình gặp trong quá trình đi thực tập. Một người ở Facebook đã cho mình câu trả lời, đại ý như sau:

"Với mỗi ứng viên, thứ cần đánh giá là khả năng tư duy và tốc độ học cái mới của họ, hơn là những gì họ đã biết. Công nghệ liên tục phát triển và thay đổi rất nhanh, những gì bạn đã biết ngày hôm nay có thể trở nên vô dụng chỉ 1-2 năm sau. Nhưng nếu bạn có khả năng tư duy và học cái mới nhanh, bạn không sợ bị lạc hậu và không thích nghi với cái mới. LTTĐ là một bài kiểm tra hoàn hảo và là một thước đo hợp lý để đánh giá khả năng tư duy của ứng viên."

Bản thân mình đã từng làm một project gần như 100% LTTĐ ở Facebook. Vì lý do giữ bí mật công ty, mình không thể nói cụ thể project đó như thế nào. Nhưng mình thấy rằng rất nhiều tư duy, kỹ năng mình học được trong LTTĐ được áp dụng rất tốt trong quá trình thực tập tại Facebook cũng như Google.

Đến đây, ta đã phần nào có câu trả lời cho câu hỏi: học LTTĐ có hướng đến tăng kỹ năng nghề nghiệp hay không. Câu trả lời chắc chắn là "Có".

Thứ hai, nhiều bạn có băn khoăn: Em muốn học LTTĐ, theo đội tuyển, thi HSGQG nhưng chỉ lấy giải ba thôi. Em muốn thi ICPC nhưng để đi chơi chứ cũng không nhắm đến World Finals. Ước mơ vậy có ổn không?

Có chứ, thưa bạn, chẳng có gì là sai cả. Thực tế, mình đã khuyên rất nhiều bạn học LTTĐ với mục đích kiếm tấm vé vào ĐH sớm hay để có những chuyến du lịch miễn phí trong quãng đời ĐH.

Các bạn có thể thấy, để vào những ĐH lớn thông qua kỳ thi THPTQG, nhiều khi bạn phải đạt tới 27-28/30đ, tức là hơn 90%. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn sơ sẩy sai sót một số câu, bạn có khi không còn cơ hội gỡ lại. Trong khi để có tấm vé vào ĐH qua kỳ thi HSGQG, bạn chỉ cần 15-18/40đ, nên nếu bạn lỡ mất một bài, còn bài khác để bạn chuộc lỗi. Với tâm lý căng thẳng trong kỳ thi lớn thì ai dám đảm bảo mình sẽ làm mọi thứ hoàn hảo? Vậy bạn muốn vào ĐH như thế nào? Thông qua một kỳ thi duy nhất cuối năm lớp 12, chỉ một sơ suất nhỏ có thể đóng chặt cánh cửa ĐH; hay có 3 cơ hội: Trượt HSGQG lớp 11 còn có lớp 12, trượt HSGQG lớp 12 còn có kỳ thi ĐH; tức là nếu trót sai lầm bạn luôn có cơ hội làm lại?

Dịch COVID-19 càng tô đậm thêm sự sáng suốt của việc "chỉ phấn đấu tới giải ba HSGQG". 3 tháng nghỉ học đã làm xáo trộn mọi hoạt động dạy và học của cả nước. Trong khi BGD và các trường ĐH phải cân nhắc thật kỹ cho công tác tuyển sinh, nhiều bạn lớp 12 chưa biết kỳ thi quan trọng sắp tới sẽ diễn ra thế nào, thì những ai đã có giải ba HSGQG đã yên tâm một suất vào ĐH của mình, thậm chí không cần đc giải ba vẫn có thể vào thẳng ĐH. Rõ ràng, không có gì là sai, nếu tôi chỉ theo đuổi tin học để tăng khả năng vượt qua một kỳ thi quan trọng và căng thẳng của cuộc đời.

Cũng như thế với các bạn sinh viên. Mơ ước được du lịch, khám phá thế giới là không của riêng ai. Việc ta tự cho mình một chuyến du lịch và những kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên có gì là sai nào? Tại sao ta lại chỉ vào ĐH với mục đích kiếm tấm bằng rồi ra trường thôi chứ? Đời SV chỉ có học, thi và lấy bằng thì có thực sự đáng nhớ hay không? Nhớ ngày dẫn đoàn của UET đi thi ICPC tại Yangon (Myanmar), có một bạn nói với mình rằng: "Em mong muốn đi thi để được giao lưu, du lịch chú không kỳ vọng đc giải mấy." Bạn ý là hoa hậu của VNU, bán hàng rất giỏi. Ngày đi thi bạn ý cho mình xem một cái lịch gỗ bạn ý thiết kế, về sau sản phẩm đó đc lên báo với lãi hàng trăm triệu. Nếu chỉ xét trên phương diện bạn ý muốn đi thi, tự trả chi phí, và muốn đc đi chơi thông qua kỳ thi đó; mình thấy không có gì là sai.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do, bình đẳng. Ở đó mọi ước mơ, mọi cố gắng, mọi hành vi hợp pháp luật, phù hợp với đạo đức, không làm tổn hại tới người khác đều đáng được tôn trọng và trân trọng. Tại sao lại bắt buộc phải mơ đến những thứ cao lớn to tát? Nếu ta không đánh thuế ước mơ, tại sao lại có ước mơ "cao lớn" và ước mơ "thấp hèn"? Tôi có thể ước mơ gây dựng được tập đoàn 3 ngàn tỷ như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhưng cũng có thể ước mơ chỉ một gia đình yên ấm, hạnh phúc để tôi không phải ra tòa chống lại những người mình yêu thương. Điều đó có gì là sai cơ chứ?

Thưa các thầy cô giáo, các anh chị, các bạn và các em.

VNOI lớn mạnh như ngày hôm nay, và mình có thể viết ra những chia sẻ như lúc này; là nhờ những thầy cô giáo, những bạn học sinh, sinh viên đã lựa chọn bỏ ra những trang cuộc đời của mình để gắn bó với LTTĐ, yêu thích và coi LTTĐ như một phần của cơ thể mình. Cá nhân em rất vui mừng và hạnh phúc vì điều đó, không chỉ vì sự ủng hộ nhiệt tình và tình cảm quý mến mà thầy cô và các bạn đã dành cho em, mà còn vì niềm tin sắt đá rằng cộng đồng LTTĐ ở Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh trong tương lai.

Tất nhiên, LTTĐ cũng như các lĩnh vực CNTT khác (trí tuệ nhân tạo, lập trình web, lập trình ứng dụng,...) chúng ta không bao giờ chỉ học một thứ, vì cuộc đời không cho ai quyết định mình được làm gì và ta cần phải chuẩn bị để ứng phó với vạn bất biến trong tương lai. Nhưng qua bài viết, mình mong các bạn giữ vững niềm tin vào sự lựa chọn LTTĐ của mình. Chỉ cần các bạn thực sự tin, thực sự yêu và thực sự đầu tư công sức; bạn chắc chắn có được hoa thơm, trái ngọt trên chặng đường tương lai.

Chúc các bạn buổi tối vui vẻ. Chúc cộng đồng LGBT của Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Chúc Việt Nam sớm vượt qua đại dịch COVID-19.

26/04/2020

From PVH with love

P/s 1: Sẽ có cả những thầy giáo, cô giáo, các anh chị và cả các bậc phụ huynh đọc bài viết này. Em biết cách xưng hộ "mình, bạn" ở đây không thực sự lễ phép và lịch sự. Em mong các thầy cô giáo, các anh chị và những người lớn tuổi khác lượng thứ.

P/s 2: Thông tin về kỳ phỏng vấn xin thực tập của SEA trong bài viết được mình thu thập từ tháng 01/2019, khi mình nói chuyện với một chị làm tuyển dụng. Do chưa từng tham gia phỏng vấn trực tiếp tại SEA, thông tin này có thể không chính xác. Nếu có anh/chị làm tuyển dụng nào ở SEA thấy thông tin này không đúng, xin vui lòng comment đính chính tại post bên dưới. Em xin hứa sẽ gỡ bỏ mọi thông tin không chính xác và thành thật xin lỗi quý công ty về sự cố không đáng có này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.